Thợ may là một trong những nghề lao động phổ thông, việc dễ làm phổ biến và được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay, kể cả nam lẫn nữ. Bạn cũng có ý định theo học và theo đuổi nghề thợ may? Bạn mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về công việc này? Đừng bỏ qua bài viết dưới đây.
Làm thợ may có cần phải học không?
Bất kỳ công việc hay ngành nghề nào muốn thực hành cũng cần trải qua thời gian đầu học lý thuyết và luyện tập thực tế dần dần. Nghề thợ may vá cũng vậy. Để được người khác tin tưởng đặt may từ bộ quần áo thường ngày đến đồ vest, váy, đầm cho đến sửa đồ đơn giản, bạn tối thiểu phải biết may và may thành thạo các đường may cơ bản, biết sử dụng máy may như thế nào cho hiệu quả và an toàn… chứ chưa nói đến yêu cầu may đẹp, may khéo.
Có thể bạn quan tâm:
- Lấy số đo chuẩn như thợ may cho nàng tha hồ diện đồ
- Tìm hiểu về Thợ cắt vải trong dây chuyền sản xuất chi tiết
- Những loại dụng cụ thợ may cần chuẩn bị để học thành nghề
Học nghề thợ may ở đâu?
Bạn có thể đăng ký các khóa học nghề thợ may ngắn hạn tại các trung tâm dạy nghề hay đăng ký các lớp học may tại các xí nghiệp, trung tâm dệt may hoặc tìm đến học tại các tiệm may, học trên mạng… Lưu ý: nên lựa chọn nơi đào tạo uy tín để đảm bảo những kiến thức được học là đúng, đồng thời cơ sở vật chất đầy đủ để bạn thực hành.
Nghề thợ may có dễ xin việc làm?
Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp, mặc đẹp của con người ngày càng tăng cao là lý do giúp nghề may ngày càng được ưa chuộng. Hơn nữa, việc mở cửa hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới mở ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nội địa ra nước ngoài, hàng may mặc cũng nằm trong số đó. Do đó, rất nhiều các xí nghiệp, khu công nghiệp chuyên mặt hàng dệt may, may mặc hình thành và luôn có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân may có và chưa có kinh nghiệm may (sẽ được đào tạo sau đó) vào làm việc. Sau khi tích lũy được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, bạn có thể được đề bạt lên các chức vụ cao hơn như Tổ trưởng, Quản đốc…
Ngoài ra, nếu bạn tự tin vào khả năng của mình, có mối quan hệ rộng, có vốn và gu thời trang ổn, bạn hoàn toàn có thể mở một tiệm may – nhận khách và tự do thể hiện đam mê, kiếm thu nhập mà không bị phụ thuộc hay chịu sự quản lý của bất kỳ ai.
Thợ may thường làm những công việc gì?
“Thợ may thường làm những công việc gì?” là câu hỏi gần như đầu tiên xuất hiện trong đầu những người muốn tìm hiểu công việc thợ may. Tùy nơi làm việc, cơ cấu nhân sự hoặc yêu cầu cụ thể mà người thợ may sẽ đảm nhận từng nhiệm vụ công việc tương ứng phù hợp.
+ Nếu là thợ may làm việc cho tổ chức như công ty, xí nghiệp may…, bạn thường được phân chia may theo công đoạn, tức mỗi người sẽ nhận may một công đoạn bộ phận để dùng ráp chung thành thành phẩm. Chẳng hạn: nếu may một chiếc áo sơ mi, sẽ có người may cổ, người may tà áo, người máy tay áo, người may túi, người vắt sổ, người đơm cúc áo và người ráp sau cùng…
+ Nếu là thợ may tự mở tiệm may cho mình, bạn gần như phải làm toàn bộ mọi công đoạn, từ nhận yêu cầu may của khách hàng – lấy số đo – cắt vải – tạo hình trang phục (thiết kế) – may từng công đoạn – ráp thành phẩm – ước tính giá may cho từng sản phẩm nhất định hoặc bạn cũng có thể thuê thêm người phụ việc cho mình nếu cần.
Thu nhập nghề thợ may bao nhiêu?
Không bàn đến thu nhập của những thợ may tự kinh doanh, vì không tổng hợp được để đưa ra con số chung nhất. Cũng không bàn đến những công nhân may, thợ may làm ăn theo sản phẩm, vì may càng nhiều tiền công càng lớn, có khi lên đến 8, 9 thậm chí hơn 10 triệu 1 tháng là chuyện bình thường.
Còn những công nhân may, thợ may làm theo tháng lãnh lương thì tổng mức thu nhập thường dao động trong khoảng từ 5-8 triệu đồng/ tháng; những công nhân có tay nghề cao, có kinh nghiệm hoặc được làm Tổ trưởng thì mức thu nhập cao hơn, khoảng 8-10 triệu đồng/ tháng.
Nhìn chung, lương công nhân may, thợ may cao hay thấp còn tùy thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm làm việc – quy định của doanh nghiệp trong chi trả lương là tính theo thời gian hay theo sản phẩm… Ngoài lương cơ bản, công nhân may, thợ may làm việc cho các tổ chức, đơn vị uy tín cũng được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật, được nhận các khoản trợ cấp, phụ cấp, thưởng theo năng lực…
Có thể bạn quan tâm:
- Máy may công nghiệp có bao nhiêu loại? Thương hiệu nào tốt?
- Máy may mini – Một thiết kế nhỏ gọn nhưng tiện dụng
Trên đây là những thông tin chi tiết và tổng quan nhất về nghề thợ may mà bạn cần tìm hiểu trước khi quyết định theo nghề hay không. Hy vọng chia sẻ này sẽ hữu ích với bạn. Chúc bạn có quyết định tìm việc sáng suốt và thành công!